Việt Nam là một trong những quốc gia có giao thông phức tạp với tỉ lệ tai nạn giao thông cao. Để giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh, mời các … xem thêm…bạn đến với Top 10 kỹ năng an toàn giao thông hữu ích nhất nhé.
Giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ
Một trong những lý do phổ biến gây ra tai nạn giao thông là chạy quá tốc độ. Đặc biệt tại những khu vực ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ, khi có những phương tiện đi từ hướng khác ra, nếu đi quá nhanh sẽ khiến người điều khiển phương tiện không kịp phản ứng. Bởi vậy, giảm tốc độ khi đến ngã tư, ngã ba, khúc cua, ngã rẽ là một điều hết sức quan trọng. Với việc giảm tốc độ, người điều khiển sẽ có thời gian quan sát các ngã rẽ, các phương, các hướng và nếu có xe bất ngờ đi ra hoặc có biến cố xảy ra, người điều khiển phương tiện có thể ứng phó kịp thời để tránh xảy ra va chạm, tai nạn. Bên cạnh đó, những người điều khiển phương tiện từ trong ngõ, ngã rẽ ra cũng cần giảm tốc độ quan sát, bật đèn tín hiệu và nếu cần thiết thì phải bấm còi hoặc nháy đèn để báo hiệu cho những phương tiện đi ở hướng khác.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận; Qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; Qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung nhiều người; khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường; khu vực đang thi công trên đường bộ; hiện trường xảy ra tai nạn giao thông; Khi có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường; Có súc vật đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường; Tránh xe chạy ngược chiều hoặc khi cho xe chạy sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước; Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe…
Tránh đi vào điểm mù của xe ô tô cỡ lớn
Được coi là hung thần xa lộ, những tai nạn do xe ô tô cỡ lớn (container, xe tải, xe đầu kéo, xe ben, xe khách đường dài…) thường gây ra những tai nạn hết sức thảm khốc. 90% tai nạn xảy ra với xe ô tô cỡ lớn xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông đi vào điểm mù của những xe ô tô cỡ lớn. Những điểm mù này được tạo ra do chỗ ngồi của người lái xe ô tô cỡ lớn bị che khuất tầm nhìn do cabin gây ra, khiến cho người lái xe cỡ lớn không thể quan sát được những vị trí này. Bởi vậy, một trong những kỹ năng an toàn giao thông hữu ích nhất đó là tránh đi vào điểm mù của xe ô tô cỡ lớn.
Những điểm mù phổ biến của xe ô tô cỡ lớn bao gồm những vị trí sau:
- Vị trí ngay trước đầu xe: Tại vị trí này, chỗ ngồi của người lái xe rất cao nên khó quan sát ngay đầu xe mình lái. Để tránh điểm mù này, người lái xe không nên tạt ngang đầu xe ô tô cỡ lớn hoặc đi ngay trước đầu xe ô tô này.Vị trí phía sau xe: Đây là vị trí bị khuất tầm nhìn nhất do xe ô tô cỡ lớn không có kính sau, khiến người lái xe không thể nhìn phía sau còn gương chiếu hậu chỉ nhìn được hai bên. Khi xe cỡ lớn phanh gấp hoặc lùi xe, vị trí này vô cùng nguy hiểm. Người điều khiển phương tiện không nên đi ngay sau xe ô tô cỡ lớn đề phòng rủi ro trên.Vị trí hai bên đầu xe: Đây là vị trí nguy hiểm nhất, khi người lái xe nhìn qua gương chiếu hậu chỉ thấy được hông xe còn hai bên đầu xe hoàn toàn bị khuất tầm nhìn do người lái xe ngồi trên cao, đặc biệt là hông bên phải do người lái xe ngồi bên trái. Nhiều trường hợp hi hữu xảy ra khi xe ô tô cỡ lớn rẽ trái hoặc rẽ phải, do không quan sát được nên đã gây tai nạn giao thông. Người điều khiển phương tiện nên tránh đi vào điểm mù này, và cũng tránh vượt qua xe ô tô cỡ lớn khi đang ở ngã rẽ.
Giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước
Lỗi đâm sau là lỗi phổ biến trong giao thông, xảy ra khi người điều khiển phương tiện đi trước bỗng dưng phanh gấp. Đa phần những người đâm sau đều cho rằng mình đúng, đổ trách nhiệm lên người đi trước nhưng Điều 12 Luật Giao thông Đường bộ- 2001 quy định: Người lái xe phải tuân thủ quy định tốc độ xe chạy trên đường. Người lái xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. Ở nơi có cắm biển báo “Cự ly tối thiểu giữa 2 xe” thì phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo. Tốc độ lưu thông 60km/h thì KCAT tối thiểu là 30m. Tốc độ lưu hành trên 60 đến 70 km/h thì KCAT là 35m. Tốc độ lưu hành trên 70 đến 80km/h thì KCAT là 45m. Tốc độ lưu hành trên 80 đến 90km/h thì KCAT là 55m. Như vậy, để giữ an toàn cho bản thân và tuân thủ luật giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện nên giữ khoảng cách an toàn với xe đi trước.
Các quy định hiện hành cũng nêu rõ khoảng cách an toàn giữa các xe. Cụ thể, tại điều 11 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải có quy định: Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với tốc độ của xe: Vận tốc dưới 60 km/h: Người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông; Vận tốc 60 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 m; Vận tốc trên 60 đến 80 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 50 m; Vận tốc từ trên 80 đến 100 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m; Vận tốc từ trên 100 đến 120 km/h: Khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.
Lưu ý khi đi đường cao tốc
Trên đường cao tốc, lái xe phải cho xe tăng tốc trên phần đường dẫn đầu vào, khi nào đạt tới trên tốc độ tối thiểu thì mới được nhập làn. Trước khi tăng tốc phải bật tín hiệu xi-nhan để báo cho các xe đi phía sau. Chú ý quan sát gương, khi đủ điều kiện an toàn mới cho xe nhập làn. Tại các đầu cao tốc có cắm các biển giới hạn tốc độ tối đa và tối thiểu, lái xe phải tuân thủ tốc độ cho phép để đảm bảo an toàn và đảm bảo lưu thông liên tục trên cao tốc. Không chỉ tốc độ tối đa mà tốc độ tối thiểu cũng là con số cần chú ý. Nếu đi dưới tốc độ tối thiểu là vi phạm luật, gây khó khăn cho các tài xế khác đi nhanh, rủi ro tai nạn. Khoảng cách an toàn mà các chuyên gia đưa ra là 3 giây với thời tiết tốt , 6 giây với thời tiết xấu tương đương 100 m và 200 m tùy thời tiết.
Rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc và đáng thương tiếc xảy ra trên đường cao tốc. Đường cao tốc là tuyến đường dài dành cho các phương tiện lưu thông giữa các tỉnh thành với tốc độ cao, bởi vậy nếu không lưu ý khi đi đường cao tốc thì sẽ có thể gặp những tai nạn thương tâm. Khi tham gia giao thông và di chuyển trên đường cao tốc, người điều khiển phương tiện nên lưu ý những điều sau đây:
- Di chuyển với tốc độ yêu cầu trên đường cao tốc, không nhanh quá, không chậm quá..Chú ý quan sát khi vào hoặc ra khỏi đường cao tốc, khi tới những ngã rẽ.Đi đúng làn đường của mình, không chuyển làn đột ngột.Khi vượt xe cần quan sát, sử dụng đèn tín hiệu và không đột ngột giảm tốc độ.Không dừng, đỗ xe giữa đường.Không sử dụng điện thoại, đeo tai nghe khi đi trên đường cao tốc.Nếu người điều khiển lái xe ô tô thì cần phải thắt dây an toàn.
Không lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đi lên bao nhiêu thì các phương tiện giao thông hiện đại càng phổ biến bấy nhiêu kéo theo đó là sự đông đúc trên đường phố cùng với tai nạn giao thông ngày càng tăng lên đáng kể. Vì vậy, vấn đề an toàn giao thông thực sự là một vấn đề quan trọng của nhân loại. An toàn giao thông là cụm từ dùng để chỉ các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông và phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông. Không chỉ là một thuật ngữ pháp luật, an toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia giao thông trên mọi phương tiện.
Ở những đất nước Đông Nam Á, xe máy là phương tiện lưu thông chủ yếu, việc lách vào khe hở giữa hai xe để vượt lên là rất phổ biến. Do không chia làn rạch ròi và người điều khiển cũng không thực sự tuân thủ 100% theo làn đường, nhất là khi hay tắc đường, việc lách vào khe hở để vượt lên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện không nên lách vào những khe hở quá hẹp giữa hai xe, nhất là xe ô tô. Bởi khi lách vào khe hở này, hai xe hai bên mà khép vào sẽ gây ra tai nạn vô cùng thảm khốc và không thể có cách nào tránh được tai nạn ấy.
Không uống rượu bia khi tham gia giao thông
Một điều quan trọng trong những kỹ năng an toàn giao thông hữu ích nhất đó chính là không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, gần 40% số vụ tai nạn giao thông đều liên quan đến rượu bia. Khi sử dụng rượu bia, hệ thần kinh và các giác quan của người điều khiển phương tiện bị chất cồn tác động. Nhẹ thì làm làm suy giảm thị lực, thính lực, làm giảm tốc độ phản ứng của não bộ; nặng thì gây kích động, mất kiểm soát hành vi. Do những tác động trên, người điều khiển phương tiện sẽ không kịp phản ứng khi có tình huống xấu hoặc chính bản thân gây ra tai nạn. Nhìn chung để giữ an toàn giao thông thì người điều khiển phương tiện nên chấp hành khẩu hiệu “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia là hành vi nguy hiểm và là yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an toàn giao thông đường bộ. Rượu làm suy giảm khả năng phán đoán của người lái xe. Khi tình trạng say rượu càng tăng thì thị lực cũng như phản xạ của người lái xe càng giảm. Một nghiên cứu bệnh chứng đã tính toán rằng những người điều khiển xe mô tô có nồng độ cồn trong máu (BAC) trên 50 mg/dL, tương đương với hai ly bia hơi đã uống, có nguy cơ va chạm cao gấp 40 lần so với những người hoàn toàn không uống rượu. BAC là 50 mg/dL đối với người đi xe máy và 0 mg/dL đối với lái xe ô tô là giới hạn pháp lý do luật pháp Việt Nam quy định. Bạn sẽ bị tước giấy phép lái xe khi vi phạm quy định này.
Sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách
Những trang thiết bị trên xe như gương chiếu hậu, đèn tín hiệu, đèn pha không phải tự nhiên mà có hay có chỉ để cho đẹp. Tất cả được thiết kế theo mục đích an toàn, tiện nghi cho người sử dụng của các hãng xe và sử dụng gương chiếu hậu, đèn tín hiệu và đèn pha đúng cách là điều quan trọng để giữ an toàn khi tham gia giao thông. Gương chiếu hậu có thể giúp người điều khiển quan sát được sau lưng và hai bên sườn, trong khi đó đèn tín hiệu giúp người điều khiển báo hiệu cho những người tham gia giao thông khác. Người điều khiển phương tiện cũng nên lưu ý cách sử dụng đèn chiếu gần và đèn chiếu xa (pha) cho đúng cách để tránh gây chói mắt cho những phương tiện đi ngược chiều.
Đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh nên thường được sử dụng khi trời tối, ở những nơi không có đèn đường, ở khu vực nông thôn vắng các phương tiện đi lại. Đèn pha cũng giúp tài xế phát hiện ra các chướng ngại vật trên đường từ khoảng cách xa. Đây cũng là tín hiệu báo hiệu từ xa cho người đi bộ biết có ôtô đang đến gần để tránh tai nạn. Ngoài ra, trong trường hợp tài xế muốn vượt xe phía trước cũng có thể sử dụng đèn pha. Tuy nhiên, do ôtô có 2 gương chiếu hậu ngoài ở hai bên xe và 1 gương chiếu hậu trong nên lạm dụng đèn pha trong trường hợp này có thể làm lóa mắt lái xe phía trước. Vì vậy, chỉ sử dụng vừa đủ và chuyển sang đèn cos kịp thời.
Nhường đường cho xe ưu tiên
Xe ưu tiên là các loại xe theo quy định của pháp luật được hưởng các quyền ưu tiên khi tham gia giao thông và khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, thì người tham gia giao thông phải nhường đường, không được cản trở xe được quyền ưu tiên. Tuy nhiên trong thực tế, việc chấp hành các quy định của pháp luật về xe ưu tiên, nhất là việc nhường đường cho các loại xe ưu tiên của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Điều 22, Bộ luật giao thông đường bộ quy định các loại xe ưu tiên bao gồm: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, Công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có Cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật và đoàn xe tang. Các loại xe ưu tiên đã nêu (trừ đoàn xe tang) khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Về tín hiệu của các loại xe ưu tiên được quy định tại Nghị định 109 năm 2009 của Chính phủ. Cụ thể, đối với xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ hoặc xanh gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Đối với xe Công an, Quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, nếu là xe ô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an, Quân sự cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên; nếu là xe mô tô có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; cờ hiệu Công an, Quân sự cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Đối với xe Cảnh sát giao thông dẫn đường, nếu là xe ô tô, có đèn quay chớp phát sáng màu xanh – đỏ gắn trên nóc xe, cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe phía bên trái người lái; có còi phát tín hiệu ưu tiên; nếu là xe mô tô, có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu xanh hoặc đỏ gắn ở càng xe phía trước hoặc phía sau; có cờ hiệu Công an cắm ở đầu xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Đối với xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe; có còi phát tín hiệu ưu tiên. Trong những trường hợp như vậy, các phương tiện tham gia giao thông phải nhường đường.
Sang đường đúng cách
Đi bộ tưởng chừng là cách tham gia giao thông an toàn nhất, nhưng nguy hiểm vẫn luôn rình rập, đặc biệt là khi sang đường. Hãy cố gắng đi đúng vạch kẻ sang đường cho người đi bộ. Tất nhiên điều này là khó thực hiện ở Việt Nam, nhưng nếu bạn có ý định sang đường, hãy thử quan sát và tìm những vạch kẻ cho người đi bộ sang đường để thực hiện cho đúng. Tất nhiên, dù đi trên vạch này, trừ khi đèn đỏ, còn lại những phương tiện giao thông khác cũng sẽ không nhường đường cho bạn, y như cách bạn sang đường mà không đi trên vạch kẻ cho người đi bộ. Vì vậy, hãy bước đi cẩn thận, quan sát 2 bên đường và đừng quá tự tin vì bạn đang đi đúng đường cho người đi bộ.
Một lưu ý dành cho người đi bộ là cần phải tuân thủ luật giao thông, đặc biệt là sang đường đúng cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người lưu thông khác. Rất nhiều người đi bộ thường sang đường ở bất cứ đâu mình muốn, nếu xảy ra tai nạn thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm nhưng điều này là không đúng với luật giao thông đường bộ. Người đi bộ cần phải sang đường ở những nơi có vạch kẻ, biển báo dành cho người đi bộ, vạch kẻ ở ngã tư, hoặc cầu đi bộ, hầm đi bộ. Dù phải đi vòng xa hơn một chút nhưng sang đường đúng cách sẽ giúp người đi bộ đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, người đi bộ cũng nên lưu ý khi sang đường phải quan sát hai bên, không đeo tai nghe hoặc dùng điện thoại. Trẻ con hoặc người già khi sang đường cần có người trưởng thành đưa sang.
Tuân thủ luật giao thông và chỉ dẫn của lực lượng chức năng
Không tuân thủ quy tắc khi tham gia giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng chất kích thích… thiếu kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông luôn xảy ra bất ngờ: nhẹ thì thương tích nhưng nặng sẽ dẫn đến tật nguyền suốt đời, thậm chí là tử vong. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 vụ. Điều đó đồng nghĩa là nhiều gia đình phải đón nhận những cú sốc khi người thân của họ tử vong vì tai nạn giao thông. Đây là mối nguy hại lớn nhất đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của con người; thiệt hại về kinh tế, sức khỏe. Bởi có tới 70% số người bị thương tật, tử vong do tai nạn giao thông là đối tượng thanh niên, trụ cột trong gia đình.
Thực tế cho thấy, bí quyết quan trọng và đầy đủ nhất trong Top 10 kỹ năng an toàn giao thông hữu ích nhất không gì khác ngoài tuân thủ luật giao thông và chỉ dẫn của lực lượng chức năng như đội mũ bảo hiểm (khi đi xe máy), cài dây an toàn (khi đi ô tô), đi đúng tốc độ, đúng làn đường, sử dụng đèn tín hiệu đúng cách, tuân thủ theo biển báo, vạch vôi, đèn giao thông và chỉ dẫn của lực lượng chức năng… Tuân thủ theo luật giao thông có thể giảm thiểu đến 80% nguy cơ gây ra tai nạn. Bởi vậy, để giữ an toàn cho bản thân và những người khác khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện nên tuân thủ luật giao thông và chỉ dẫn của lực lượng chức năng.
Bài viết trên đây, Toplist đã chia sẻ đến bạn những kỹ năng an toàn giao thông hữu ích nhất, còn rất nhiều kỹ năng và những điều khác mà người điều khiển cần lưu ý để giữ an toàn giao thông. Bạn hãy tuân thủ luật giao thông và thực hiện những điều trên để giữ an toàn cho bản thân và mọi người nhé.